top of page
Ảnh của tác giảnghiem nguyen

ĐẠO NÀO CŨNG GIỐNG ĐẠO NÀO ?




ÐẠO NÀO CŨNG GIỐNG NHAU?

Ðạo nào cũng giống nhau” là một câu nói rất quen nghe nơi người Á Châu, cách riêng giữa người Việt Nam...


Lm Mai Ðức Vinh

ÐẠO NÀO CŨNG GIỐNG NHAU?

Ðạo nào cũng giống nhau” là một câu nói rất quen nghe nơi người Á Châu, cách riêng giữa người Việt Nam và cách riêng nữa nơi những người ngoài Công giáo. Người ta nói với nhau khi câu chuyện chạm đến vấn đề tôn giáo, mà đặc biệt: khi một người được mời vào đạo Công giáo; hay khi người ta có con cháu, bạn hữu đi học giáo lý để gia nhập Giáo Hội. Nói như thế bởi vì trên 90% những người trưởng thành học đạo với tôi trong 15 năm qua đều đã nghe bà cô, bà bác hay anh chị em bạn rỉ tai: “Ðạo nào cũng giống nhau, đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ. Vậy thì cha mẹ theo đạo nào, con cháu theo đạo đó, tội gì phải vào đạo Công giáo. Ðã đi làm vất vả còn phải đi học giáo lý. Ðạo nào cũng giống nhau. Chỉ cần mình sống ngay lành là đẹp lòng Trời rồi.”

Những người nói câu “đạo nào cũng giống nhau” thường là những người thành tâm, có niềm tín ngưỡng, muốn quý trọng hết mọi đạo. Họ nói câu này với con cháu, bạn bè như để cho một lời khuyên, một sự thông cảm, một ý kiến xây dựng, chứ không ngăn cản ai, không có ý phê bình chỉ trích tôn giáo nào. Ðối với họ đạo nào cũng tốt và cũng đáng kính trọng. Cách đây mấy năm, tại ga xe hỏa gần Paris, tôi gặp một ni cô, một bà Phật tử và một bà Công giáo tôi quen biết. Bà Công giáo nói với tôi “Con dẫn ni cô và bà này đi mua một 'pavillon' để làm Phật đường.” Trong câu chuyện dài không đầy 10 phút, cả ba người đều lần lượt nói rất tự nhiên: “Ðạo nào cũng giống nhau cả cha ạ!.”

Càng ngày tôi càng xác tín: đây là vấn đề rất quan trọng trong mục vụ giáo lý. Không một người tân tòng nào lại không được cắt nghĩa tường tận vấn đề này trước khi quyết định đón nhận đức tin Công Giáo. Và để chu toàn công việc mục vụ giáo lý này, tôi nghĩ những người có trách nhiệm dạy giáo lý cho người trưởng thành cần góp ý và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Ðó chính là mục tiêu của những trang viết thô sơ này.

Chúng ta biết: một cách chung, về phạm vi tôn giáo, thế giới bao giờ cũng chia thành hai khối lớn: khối hữu thần và khối vô thần. Khối hữu thần lại chia làm hai, khối độc thần (Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo) và khối đa thần (Linh hồn giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo ...).

Riêng tại Việt Nam, về tôn giáo nổi bật hai khối:

1) Khối độc thần hay Thiên Chúa giáo (Hồi giáo, Kitô giáo tức Công giáo và Tin lành). Xét về số tín đồ, về sinh hoạt và ảnh hưởng xã hội, Công giáo mạnh hơn cả.

2) Khối đa thần hay Tam giáo (Lão giáo, Khổng giáo, Phật giáo). Vì khó phân biệt tín đồ của mỗi tôn giáo này, cho nên dù “số tín đồ Phật giáo thuần túy” hay đã “qui y tam bảo” không nhiều, cho đến nay Phật giáo vẫn “được coi” là quan trọng và đông đảo tín đồ hơn cả.

Nhận định trên cho phép chúng ta hạn định việc tìm hiểu câu “Ðạo nào cũng giống nhau, cũng dạy làm lành lánh dữ” vào việc so sánh Công giáo với Phật giáo trên ba điểm chính:

1) Người sáng lập đạo. 2) Niềm tin. 3) Sống đạo.

Chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: đối chiếu Ðức Kitô và Ðức Phật, câu nói “Ðạo nào cũng giống nhau” không đúng. Xét về “Niềm tin,” câu vừa nói cũng không đúng. Vì căn bản của quan điểm về Thiên Chúa (Thượng Ðế quan), về con người (nhân sinh quan) và về vạn vật (vũ trụ quan) giữa Công giáo và Phật giáo thật khác nhau. Xét về “Sống đạo,” câu nói trên kia không hoàn toàn đúng, bởi vì trong cách sống đạo giữa Công giáo và Phật giáo có nhiều điểm giống nhau về sự kiện nhưng lại rất khác nhau về ý nghĩa. Chúng ta trình bày tóm lược như sau:

I. Ðấng Sáng Lập Ðạo:

Ðiều phải nói ngay: So sánh Chúa Giêsu với Ðức Phật không có nghĩa là đặt Chúa Giêsu và Ðức Phật ngang hàng nhau. Nhưng chúng ta có thể theo ý kiến của Cha Romano Guardini trong cuốn Le Seigneur, ngài viết: “Il n'y a qu'un personnage qui pourrait donner l'idée de le rapprocher de Jésus, c'est Bouddha” (Chỉ có một nhân vật có thể gợi lên ý tưởng xích gần người lại với Chúa Giêsu, đó là Phật Thích Ca) 1. Rồi cũng chính Cha Romano Guardini trong cuốn “L”Essence du Christianisme” quyết đáp: “Le Christ n'est pas au niveau du Bouddha, mais ne peut être que infiniment au-dessus” (Ðức Kitô không thể đồng hàng với Ðức Phật nhưng chỉ có thể vô cùng trổi vượt)2. Vậy chúng ta có thể nêu lên mấy điểm đối chiếu sau đây:

1. Chúa Giêsu

a. Người là Thiên Chúa làm người

”Ngôi Lời đã nhập thể và ở giữa loài người” (Galát 1,14); “Thiên Chúa đã sai con mình đến trần gian, mặc lấy thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (1Côrintô 8,3); “Ðồng bản tính với Thiên Chúa, song đã hạ mình nhận lấy thân phận tôi tớ và nên giống như phàm nhân” (Pl 2,7). “Ðiều chắc chắn là Chúa Giêsu từ trời đã đến trong trần gian (1Timôtê 1,15), và Người là người thật” (1Timôtê 2,5). “Chúng tôi tin chắc Người là Thiên Chúa thật” (1Galát 5,20)...

b. Chọn đạo là chọn chính Người:

Hay đúng hơn là chính Người chọn chúng ta (Galát 15,16), cho chúng ta kết hợp với Người như cành nho với thân nho (Galát 15,5-7), “như chi thể trong thân thể” (Rôma 12,5). Vì Người là đường đi, là sự sống và là chân lý (Galát 14,6) là sự sống vĩnh cửu (1Galát 5,20). Vậy chúng ta là những người mang chân lý của Chúa Kitô trong mình (2Côrintô 11,10), chúng ta phải bước đi trong Ðức Kitô, hãy ăn rễ trong Người (Cl 2,6), sống kết hợp với ngài (1Ts 5,10), để chúng ta ở trong Người và ngài ở trong chúng ta (Galát 14,20), để “chính Chúa Kitô sống trong chúng ta” (Mihi vivere Christus est) (Pl 1,21)...

c. Chính Ðức Kitô là người giải thoát và là cứu cánh sự giải thoát:

”Thiên Chúa đã sai tôi đến đem tin lành cho kẻ nghèo khó, an ủi kẻ buồn phiền, báo cho các tù nhân biết họ được tha, cho các người mù biết họ được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức biết họ được tự do” (Luca 4,18). Ta là đường (Galát 14,6) ai đi theo Ta, người đó sẽ không đi trong bóng tối (Galát 8,13); Ta là chân lý (Galát 14,6) và chân lý giải thoát anh em (Galát 8,32); Ta là sự sống (Galát 14,32) Ta đến để ban sự sống cho thế gian (Mát-thêu 20,28), để cho mọi người được sự sống (Galát 3,14-15), ai tin theo Ta người đó sẽ được sự sống muôn đời (Galát 3,15). Tóm lại, “Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta để chúng ta sống tự do” (Gl 5,1) Và ngoài Người, chẳng ai giải thoát chúng ta (Cv 4,12)...

2. Ðức Phật Thích Ca

a. Ðức Phật chỉ là người trần, tu thân thành Ðại Giác (illuminé).

Như lời khẳng định của Cha Romano Guardini “En réalité, il ne se présente que comme le premier des illuminés” (Sự thật, Ðức Phật chỉ hiện thân như một người đại giác cao nhất) 3. Giáo sư Walpola Rahula, trong cuốn “What The Bouddha Taught” (Những điều Ðức Phật đã dạy) viết: “Trong số những nhà sáng lập các tôn giáo, Ðức Phật (nếu có thể gọi Người là nhà sáng lập một tôn giáo theo nghĩa thông thường của danh từ) là vị Thầy độc nhất đã không tự xưng là gì khác hơn là một con người, hoàn toàn chỉ là một con người. Người lại là một con người tự nhận không được một thiên khải nào từ bất cứ một vị Thần linh hay một quyền năng nào khác” 4. Ban Hoằng Pháp, soạn giả của bộ “Phật Học Phổ Thông,” ở mục “Ai khai sáng ra đạo Phật?,” sau khi tóm tắt rõ ràng gia thế, danh xưng của Ðức Phật, đã viết: “Lúc nhỏ Ðức Phật có trí huệ sáng suốt và tài năng phi thường. Lớn lên, nhìn thấy nhân sinh thống khổ, thế cuộc vô thường, nên Người cương quyết xuất gia tu hành, tìm đường giải thoát cho mình và cho người, ngõ hầu đưa tất cả chúng sanh lên bờ giác ngộ”5. Ðàng khác trong chương nói về “Thờ Phật, Lạy Phật, Cúng Phật,” Ban Hoằng Pháp xác định rõ rệt: ý nghĩa của việc “Thờ Phật” là để tỏ lòng tri ân đối với một người đã có ân đức lớn với nhân loại; Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là một trong các Ðức Phật đáng ghi ân, và đáng thờ 6. Trong cuốn “Ðại Thừa Phật Giáo tư tưởng luận,” bác sĩ Kimura Taiken viết: “Phật giáo tuy lấy Ðức Phật làm trung tâm để thành lập, song nói theo Phật giáo, Ðức Phật -- dù là Phật lý tưởng chăng nữa -- không giống như một vị thần của các tôn giáo khác chủ trương, hoặc giống bất cứ vị thần thiên nhiên nào, mà chỉ được coi là do sức tu hành của một người đã đạt đến quả vụ Phật mà thôi” 7. Vì thế theo Toan Ánh, có những chuyện như “vừa sinh ra, Ðức Phật đã đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà thét 'Trên thì trời, dưới thì đất, duy có ta là đáng thờ nhất' (Thượng thiên hạ địa, độc ngã duy tôn) chỉ là chuyện hoang đường do các môn đồ thêu dệt ra” mà thôi 8.

b. Chọn Ðạo Phật không phải là chọn Ðức Phật

Ðức Phật là người sáng lập ra đạo Phật, nhưng con người của Ðức Phật, cá nhân Ðức Phật không đồng hóa với đạo Người dạy, nghĩa là Người không giữ một vai trò nào trong công việc giải thoát của người khác. Ðức Phật đã bày tỏ một con đường mà chính Người cũng đã theo, một con đường chung cho mọi người, trong đó có một cá nhân là Ðức Phật. Ðức Phật đem đến cho nhân loại một lối thoát, một lý thuyết, nhưng cá nhân Người ở ngoài lý thuyết đó, cũng như người mang thư không liên hệ gì đến bức thư mình mang 9. Khi đã được giác ngộ rồi, Ðức Phật đi thuyết pháp và luôn dặn: “Những điều ta nói chẳng phải là chân lý.” Lời dạy của bậc giác ngộ không phải là chân lý mà chỉ là phương tiện đi tới chân lý. Ðức Phật nói rõ: “Chân lý như mặt trăng, giáo lý ta dạy như ngón tay để chỉ mặt trăng cho các ngươi thấy. Vậy đừng chấp nhầm ngón tay ta là mặt trăng”10.

c. Ðức Phật không phải là người giải thoát và không phải là cứu cánh sự giải thoát

Trong cuốn “Lịch sử triết học Ðông Phương III,” giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, có đoạn trích sau đây: “Phật không phải là người giải thoát cho người khác, nhưng Người dạy mọi người cách tự mình giải thoát cho mình cũng như Người đã làm lấy. Người ta tin theo lời truyền bá về chân lý của Người không phải vì chân lý ấy từ ở Người xuất ra mà bởi vì qua lời nói của Người một sự hiểu biết cá nhân của mình về những điều Người nói đã biểu lộ ra trong ánh sáng của chính tinh thần mình” (Oldenberg: Buddha) 11. Nói cách khác để thực hiện việc giải thoát, Ðức Phật dạy “mỗi người hãy nương tựa nơi chính mình và không bao giờ tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác, kể cả Ðức Phật.” Người giảng dạy, khuyến khích và cổ võ mỗi người hãy tự tu tập và tìm sự giải thoát cho chính mình. Người nói “Các ngươi nên làm công việc của mình, vì các đức Như Lai chỉ dạy con đường mà thôi.” Nếu người ta có gọi Ðức Phật là một người “cứu thế” đi nữa, thì cũng chỉ có nghĩa là Người đã tìm ra và chỉ con đường đi đến sự giải thoát mà cứu cánh là Niết Bàn. Nhưng tự chúng ta, ta phải bước trên con đường ấy 12. Vậy, con đường giải thoát của mỗi người không phải là Ðức Phật, nhưng là Pháp và Luật mà Ðức Phật dạy. Ai muốn được giải thoát thì kiên thủ Pháp và Luật. Trước khi chứng nhập Niết Bàn, Ðức Phật đã nói với các đệ tử: “Ðừng than khóc rằng: Ðức đạo sư của chúng ta đã đi mất và chúng ta không có ai để tuân theo. Những gì Ta đã dạy, Pháp cùng với Luật, sẽ là đạo sư của các ngươi sau khi Ta vắng bóng. Nếu các ngươi tuân hành Pháp và Luật không hề gián đoạn, há chẳng khác Pháp thân của Ta vẫn còn ở đây mãi sao?” 13. Có thể nói, tất cả Pháp và Luật của Ðức Phật dạy, thu gọn vào trong bài thuyết pháp đầu tiên tại Banares về tứ diệu đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Ðạo đế. Tứ diệu đế là giáo lý căn bản của đạo Phật, chung cho cả Tiểu Thừa và Ðại Thừa. Muốn thấu triệt cõi đời là khổ, phải lắng nghe Ðức Phật dạy về Khổ đế. Muốn tìm kiếm nguyên nhân của khổ, hãy lắng nghe Ðức Phật trình bày chi tiết trong Tập đế. Muốn thấy ánh sáng của Niết Bàn (cứu cánh của sự giải thoát), phải thực hiện những lời dạy của Phật trong Diệt đế. Muốn thực hiện Niết Bàn, phải có đủ phương tiện. Những phương tiện này, Ðức Phật đã cung cấp một cách đầy đủ trong Ðạo đế. Như vậy Ðức Phật đã làm đầy đủ bổn phận của kẻ dẫn đường, đã đặt vào tay chúng ta bản đồ chỉ dẫn đi tới Niết Bàn là cứu cánh của sự giải thoát toàn mãn 14.

Giáo sư Takakusu viết: “Trong tâm của người theo đạo Phật, Niết Bàn không chứa chấp một ý tưởng thần thánh hóa nào về Ðức Phật” 15. Ðiều ấy có ý nói rằng Niết Bàn là cứu cánh của sự giải thoát chứ không phải Ðức Phật. Theo ý nghĩa nguyên thủy (Tiểu Thừa), Niết Bàn mang nghĩa tiêu cực là “hủy diệt,” hủy diệt sinh tử, hủy diệt thế giới dục vọng. Theo kinh Ðại Bát Niết Bàn (Ðại Thừa), thì Niết Bàn mang nghĩa tích cực, là nơi Phật tồn tại trong hoan hỉ và an lạc, là sự giải thoát trọn vẹn, là lúc chúng ta trở về được cái thể Chân Như, trở thành thực sự Vô Ngã (không có bất biến), Vô Thường (không có trường tồn), là trạng thái thật sự của chúng ta và là trạng thái cuối cùng của Niết Bàn 16.

II. Niềm Tin

1. Thượng Ðế quan:

a. Công giáo: Tin nhận một Thượng Ðế tối cao... Người tạo dựng mọi sự... Chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất hữu hình và vô hình” (xem Sáng Thế Ký 1,1...; Ðnl 4, 39; 1V 8,60; Mác-cô 12,29; Mát-thêu 22,35; Luca 10,26)...

b. Phật giáo: Không tin nhận có Thượng Ðế tối cao, không tin nhận có Ðấng tạo dựng mọi loài... Giáo sư Kimura Taiken khẳng định: “Ðức Phật phủ nhận một Ðấng Tạo-vật-chủ, đã sáng tạo ra vũ truï”17. Ban Hoằng Pháp, trong cuốn Phật Giáo phổ thông, nói vắn gọn hơn: “Khác với các tôn giáo, Phật Giáo không tin có một Tạo-vật-chuû” 18. Giáo sư Takakusu viết: “Ðạo Phật đứng hẳn ngoài các chủ trương nhất nguyên hay đa nguyên. Ðạo Phật là vô thần, cái đó khỏi phải nghi ngờ. Khi được hỏi về Nguyên nhân hay Nguyên lý tối sơ, Phật luôn luôn không nói” 19. “Vì thế Phật giáo không coi trọng ý niệm về Nguyên lý, Căn nhân, hay Nguyên nhân đệ nhất như ta thường thấy trong các hệ thống triết học khác. Ðương nhiên, một ngành triết học như thần học không phát triển trong Phật giáo. Ðừng mong có một thảo luận về thần học nơi một triết gia Phật giáo”20. Ðiều đó dễ hiểu, bởi vì “Nói về Thượng Ðế chính là phải đề cập đến vấn đề siêu hình. Thế mà Ðức Phật bao giờ cũng tránh né vấn đề siêu hình. Người cho là chuyện vô ích. Kinh Phật thường lưỡng lự trước ba thái độ về các vấn đề siêu hình: Từ chối--Công nhận-- Không đề cập tới. Ðức Phật theo thái độ thứ ba là không đề cập tới. Ðó là một thái độ trung dung. Ðức Phật bảo: “Ðạo của tôi là Trung Ðạo, tránh cái quá khích, tôi không nói vật sống khác hay không khác với bản ngã trường tồn. Tôi chỉ dạy luật giải thoát, đau khổ của sinh diệt, sinh hành; hành là dục, dục là vô minh” 21. Kết luận Phật Giáo không tin nhận có một Thiên Chúa, một Thượng Ðế hay một ông Trời tối cao, tự hữu, sáng tạo mọi loài. Do đó không có “Thượng Ðế quan” trong Phật giáo.

2. Vũ trụ quan và Nhân sinh quan:

a. Công giáo: Tự đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và mọi loài, và Công trình sáng tạo của Chúa đều tốt lành (Sáng Thế Ký 1,1 ...) Nhất là Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa (Sáng Thế Ký 1,27), có nam có nữ (Mát-thêu 19,4). Vì thế Chúa là vua vũ trụ (Thánh Vịnh 48,8), là vua mọi loài thụ tạo (Thánh Vịnh 92,1). Người chăm sóc và nuôi sống mọi loài (Mát-thêu 6,24-34). Vì thế con người luôn ngước mắt về đấng Tạo Thành (Israel 17,7), mọi vật đều ca tụng Thiên Chúa (Thánh Vịnh 144,10), làm vinh danh Chúa (Thánh Vịnh 28, 1; Pl 2,11); Mọi vật thụ tạo đều đặt hi vọng nơi Thiên Chúa (Thánh Vịnh 24,5). Con người trông chờ ơn cứu độ (Thánh Vịnh 32,20), vì Chúa chính là phần rỗi của mỗi người (Thánh Vịnh 70,5), là Ðấng giải thoát của con người (Thánh Vịnh 39,18; 143,2)... Mọi người “trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau” (xem Kinh Tin Kính).

b. Phật giáo: Con người không do Chúa dựng nên, sống nhiều kiếp (luân hồi). Cứu cánh của con người là được giải thoát vào Niết Bàn tức trở về thể Chân Như.

Khi muốn nói về con người và vũ trụ bởi đâu mà có hay nguồn gốc con người và vũ trụ trong Phật giáo như thế nào, thì chúng ta phải ghi nhận ý kiến của giáo sư Takakusu: “Về vấn đề sáng thế luận hay vũ trụ luận thì Phật giáo không có lý thuyết dành riêng cho chúng. Phật Giáo không đề cập đến sự sáng thế hay sáng tạo nào. Vũ trụ không có điểm đồng tâm. Nó là một cộng đồng tạo tác của cả mọi loài. Hơn nữa mỗi chúng ta đều tự tác tự thọ. Phật giáo không tin tưởng các học thuyết cho rằng tất cả phát xuất từ một nguyên nhân, mà quả quyết rằng vạn hữu nhất định xuất hiện do nhiều nguyên nhân” 22. Nói cách khác, “Phật giáo, khác với các tôn giáo khác, không tin có Tạo-vật-chủ. Ðối với Phật giáo, vũ trụ vạn hữu sinh ra không nhờ một Ðấng nào hay một phép nào ngoài nó cả, mà chỉ do tự kỉ nhân quả tiếp nối nhau mà thành. Như thế đối với Phật giáo vũ trụ là vô thỉ, không có cái ban đầu. Mà đã vô thỉ thì làm gì có cái nguyên nhân đầu tiên?” 23.

Như trên, khi bàn về vũ trụ quan, Phật giáo không chấp nhận đặt câu hỏi: “Nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ là gì?” hay “Ai sáng tạo vũ trụ vạn vật?” Ðặt câu hỏi như vậy là sai lầm, phải đặt như thế này: “Thực tại của vũ trụ vạn hữu như thế nào? Phát nguyên từ thực tại, vũ trụ vạn hữu đã thành hình và biến chuyển bởi những nguyên nhân gì và như thế nào?”

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Phật giáo có Thực Tướng Luận, tức là lý thuyết về thực thể của vũ trụ mà Phật giáo quen gọi là Thể Chân Như (Thể: trạng thái, Chân: cái thật, Như: cái không thay đổi). Trả lời câu hỏi thứ hai, Phật giáo có Duyên Khởi Luận, tức là năm lý thuyết nói về nguyên nhân phát sinh vũ trụ vạn hữu, trong đó có con người. Cả năm lý thuyết đều công nhận:

1. Chân Như là bản thể của vũ trụ vạn hữu. 2. Nguyên nhân làm sanh khởi vũ trụ vạn hữu là mê vọng hay vô minh. 3. Muốn giải thoát, phải trừ cho được mê vọng 24.

Tóm lại Phật giáo cho rằng vũ trụ vạn vật và con người có là do Thể Chân Như bị quấy động. Nói cách khác “Chân Như vì duyên với vô minh mà diêu động và làm phát sanh ra vũ trụ vạn hữu” 25. Theo kinh điển nhà Phật, “Chân Như là một trạng thái bất biến, viên mãn, tròn đầy, trong sáng.” Kinh Phật thường ví sự xuất hiện của vũ trụ, trong đó có con người như nước biển nổi sóng. Chân Như là nước biển yên lặng. Nước động thành sóng tức là thành vũ trụ, thành con người giả tưởng, biến hóa sinh diệt... Khi được hỏi tại sao thể Chân Như bị quấy động, Ðức Phật cho rằng “đó thuộc vấn đề siêu hình, không cần biết đến” 26. Ðiều quan hệ là nhận sự kiện Thể Chân Như bị quấy động đó, rồi trở lại được với Thể Chân Như yên lặng trong sáng. Ai đạt tới tức là Như Lai. Người ta thường gọi Ðức Phật là Ðức Như Lai, nghĩa là người đã viên giác trở về với Thể Chân Như. Thể Chân Như đây là một trạng thái sống hoàn toàn trong Niết Bàn, chứ không phải là một ngôi vị, một Thượng Ðế.

Nếu hỏi “mỗi vật hữu hình được tổ hợp bởi những yếu tố nào?,” Phật giáo trả lời: “Tất cả những sắc pháp hay vật hữu hình đều là một tổ hợp của bốn đại chủng (tứ đại), tức là bốn yếu tố hạt giống: đất (cứng), nước (ướt), lửa (ấm) và gió (động) (Thổ, thủy, hỏa, phong).” Nếu hỏi “mỗi nhân cách (người) hình thành như thế nào?”, Phật giáo trả lời: “Mỗi nhân cách (người) hình thành do tổ hợp của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức” 27.

Mà vì được phát sinh ra do Thể Chân Như bị quấy động nên đời sống của con người và vạn vật là đau khổ: Sinh - Lão - Bệnh - Tử là khổ. Khế Kinh có câu “Ðời là bể khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển” 28.

Vì chủ trương vạn hữu, kể cả con người, là Vô Ngã, Vô Thường, nên Phật giáo không chấp nhận có một Ðấng Tối Cao hằng hữu, cũng như không chấp nhận “người ta có linh hồn bất tử (hay có Ngã Thường Hằng). Phật giáo nói rõ: “Một Atman hay một linh hồn, hay một ngã là điều không thể có, tin có linh hồn bất tử và Ngã Thường Hằng là sai lầm và điên rồ” 29.

Không chấp nhận linh hồn bất tử, Ngã Thường Hằng, nhưng Phật giáo lại dạy mọi vạn hữu đều tử sinh, sinh tử trong kiếp luân hồi. Ðức Phật đã dùng hình ảnh bánh xe quay tròn để diễn tả luân hồi: sanh tử, tử sanh không ngừng giống như bánh xe lăn. Thân xác con người (hay thân con thú) đều do tứ đại mà có là đất, nước, gió, lửa. Khi thân người chết, tứ đại lại trở về bản thể cũ rồi do cơ duyên tụ họp lại để thành thân người khác, súc khác, vật khác... cứ vậy mà luân hồi mãi. Con người không chỉ có thân xác mà còn có tinh thần (không nói là linh hồn) và tinh thần là tổ hợp bởi ngũ uẩn: thọ, tưởng, hành, thức, sắc (riêng sắc lại là tổ hợp của tứ đại). Khi người ta chết, Tinh thần cũng không bị tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần mà thôi, nghĩa là cũng chịu kiếp luân hồi 30.

Kiếp luân hồi theo luật nhân quả. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp theo nhau, tương quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà có. Do đó, nếu kiếp này tạo nhân tốt thì kiếp sau sẽ có quả tốt, bằng kiếp này tạo nhân xấu thì kiếp sau sẽ có quả xấu. Phật giáo bảo: tùy theo nhân quả tốt hay xấu mà sau mỗi kiếp trong vòng luân hồi, một chúng sinh (vật, người) nhập vào một trong sáu cảnh giới (kiếp mới): địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, a-tu-la, loài người và cõi trời. Nhập vào cõi trời là cảnh giới cao nhất, nhưng vẫn chưa ra khỏi vòng luân hồi. Chúng sinh chỉ ra khỏi vòng luân hồi khi nhập vào một trong bốn cõi Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Buddha được gọi là Phật vì Người đã nhập vào cõi Thánh cao nhất 31.

III. Sống Ðạo

Ðiều đương nhiên là “Ðạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ,” “làm thiện lánh ác.” Ðối chiếu Công giáo với Phật giáo chúng ta thấy những điểm giống nhau trong phạm vi sống đạo, thực hành đạo hay phạm vi luân lý. Chúng ta có thể đan cử:

1. Công giáo: Sống Lời Chúa. Khi trong đám đông nghe Chúa Giêsu giảng dạy, có tiếng kêu lên: “Phúc thay cho lòng đã cứu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú,” lập tức Người đáp lại: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” (Luca 11,27-28). Chỗ khác, khi Chúa còn đang giảng, có người đến thưa: “Mẹ và anh em Thầy đang đứng ở ngoài, họ tìm Thầy,” Người liền đưa mắt nhìn đám dân chúng vây quanh và bảo: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?... Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì người đó là anh em Ta, là mẹ Ta” (Mát-thêu 12,50). Nghe lời Chúa và thực hành ý Chúa, chính là tuân thủ giới răn Chúa truyền. Và đó là điều kiện để nên trọn lành, để được sự sống. Lần kia có chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?,” Chúa trả lời vắn gọn: “Ðể được sống đời đời, bạn hãy tuân giữ các giới răn Thiên Chúa truyền dạy” (Mát-thêu 19,16-17). Nhiều lần Chúa đã dạy: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ giới răn của Thầy” (Galát 14,24; x. Mác-cô 16,15; Galát 14, 21 và 24);...

Phật giáo: Qui Y Tam Bảo là “trở về với ba điều quý: Phật, Pháp, Tăng. Xét về sự là gửi thân vào Ðức Phật, vào Ðạo Phật, vào Tăng chúng của Phật; Về lí là nương theo đức Giác có đủ Phước và Huệ, nương theo sự Chánh, không theo tà kiến, nương theo đức Tịnh không nhiễm trược, không chấp nệ 32 và giữ Ngũ giới là năm điều cấm mà các Phật tử “tu tại gia” không được làm: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói sai sự thật, không uống rượu 33.

2. Công giáo: Bác Ái. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc cho những kẻ có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót. Phúc cho những kẻ yêu chuộng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mát-thêu 5,6 và 9). Rất nhiều lần Chúa truyền dạy chúng ta “phải tha thứ cho người khác” (Mát-thêu 5, 21-26), “phải yêu thương cả thù địch của chúng ta” (Mát-thêu 5, 43-48) “phải viếng thăm người đau ốm, tù tội... và Chúa đồng hóa việc bác ái chúng ta làm cho một người hèn mọn nhất như là làm cho chính Chúa” (x. Mát-thêu 25,31-46 Mác-cô 12,28-34). Xin hãy đọc thêm “bài ca bác ái” của Thánh Phaolô (1Côrintô 13,1-33) và “kinh hòa bình” của Thánh Phanxicô thành At-si.

Phật giáo: Từ, Bi, Hộ, Xả: Từ là “lòng lành,” do tấm lòng ấy mà làm lợi ích, an lạc cho chúng sanh; Bi là “lòng xót,” do tấm lòng ấy mà cứu tai nạn, khổ não cho chúng sanh; Hộ là “lòng vui,” tự mình vui và mừng giùm cho chúng sanh khi họ được điều thiện; Xả là “lòng thí xả,” tha thứ cho người, tự mình hi sinh để giúp cho chúng sanh được an lạc, không kể kẻ lạ người quen, kẻ oán người thân. Ðó là Tứ Vô Lượng mà Ðức Phật, nhờ tu trì đã đạt được. Niết Bàn Kinh (quyển 15) chép: “Ai tu Từ thì có thể dứt lòng tham dục, ai tu Bi có thể dứt lòng sân nhuế, ai tu Hỉ có thể dứt lòng buồn oán, ai tu Xả có thể dứt lòng tham dục và sân nhuế” 34.

3. Công giáo: Cầu Nguyện. Phúc âm kể rằng Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong khi Người chịu phép rửa (Luca 3,21), trước khi Người đi rao giảng (Mát-thêu 4,1), trước khi Người tuyển chọn các Tông đồ (Mác-cô 6,12), khi biến hình trên núi Tabor (Mác-cô 9,29), trong bữa tiệc li, trong vườn cây dầu (Mát-thêu 26,4) và ngay trên Thánh giá (Luca 13,34). Không chỉ làm gương, nhiều lần Chúa còn dạy chúng ta phải cầu nguyện. Thánh Luca nói rõ: Chúa có ý dùng dụ ngôn “một bà góa đã kiên tâm nài nẵng, khiến ông quan án cứng lòng phải nể” cốt dạy chúng ta phải cầu nguyện (Luca 8,1...). Cũng theo thánh Luca, khi vừa vào vườn cây dầu, Chúa đã căn dặn các tông đồ: “Chúng con phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Luca 22,39) (x. Mát-thêu 6,5-13; Luca 11,9-13; Ga 16,23-27)...

Phật giáo: Tụng Niệm, là Tụng Kinh và Niệm Phật. Hết tụng kinh rồi lại niệm Phật, miệng thì tụng Tên Phật, lòng tin tưởng Ðức Phật. Cất tiếng cao mà tụng Kinh và niệm Phật sẽ được 10 ơn ích: Bài trừ chướng ngủ, thiêu ma kinh sợ, tâm chẳng tán loạn, chư Phật hoan hỉ... 35.

4. Công giáo: Sám hối, kiêng thịt ăn chay. Chúng ta hãy đọc lại những bài mở đầu Phúc âm của Matthêu (3,1-12), của Maccô (3,1-8), và đọc thêm: Thánh Vịnh 50, Dân Số 6,2; Ðnl 9,9; 12,16; Cv 15,20, để thấy tầm quan trọng của tâm tình thống hối mà Chúa đòi hỏi và kêu gọi chúng ta. Về chay tịnh, xin đọc phúc âm thánh Matthêu để thấy Chúa đã làm gương như thế nào (Mát-thêu 4,2-11) và dạy phải ăn chay làm sao (6,16-18)). Luật hiện hành của Giáo Hội cũng qui định về việc thống hối và chay tịnh (Giáo Luật 1249-1253)...

Phật giáo: Sám hối, ăn chay trường, cấm sát sanh: Phật dạy: “Phàm còn xuống lên ba cõi, lặn lội trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi.” Thường các chư Tăng và thiện nam tín nữ tụng kinh sám hối (Hồng Danh Sám) vào tối ngày 14 và 30 hay 29 mỗi tháng 36. Ăn chay là cữ ăn những chất thịt, cá, cữ uống rượu, cữ ăn năm món nồng (hành, tỏi, hẹ, kiệu, ngò). Có “chay kì” là ăn chay có kì hạn nhất định trong mỗi tháng, mỗi năm (nhị trai, tứ trai, lục trai, thập trai, nhất nguyệt trai), và có “chay trường” là ăn chay luôn trong mỗi ngày không gián đoạn cho đến hết đời. Ăn chay là một phương pháp tu hành của người Phật tử. Họ hiểu sâu xa lời Phật nói “Sự sống sống bằng sự chết” 37. Sát sanh là giết mạng sống của chúng sanh. Theo Niết Bàn Kinh, tội sát sanh có ba cấp: Cấp hạ khi giết từ một con kiến cho đến một mạng súc sanh, vì bất cứ một loài vật nào cũng có thể tạo ra chút ít thiện căn. Giết nó là phải chịu tội báo. Cấp trung khi giết một mạng người phàm cho đến một vị tu hành đắc quả Anahàm, lúc đó sẽ bị đọa vào ba đường ác trụy: địa ngục, ngã quỉ, súc sanh. Cấp thượng khi giết cha mẹ cho đến bực Alahán, lúc đó sẽ bị đọa vào Atì đại địa ngục, chịu khổ vô cùng đời đời. Người ta còn phân biệt: “sát tâm” là cố ý giết hại hay vui thích việc giết hại; “sát duyên” là mình làm duyên cớ cho việc giết hại; “sát pháp” là dùng kế hoạch để giết hại (đánh, chém, thuốc độc...). Khi thọ giới, một Phật Tử phát nguyện: “Ðệ tử nguyện giữ không sát hại các loài sanh vật, không tự mình sát, không bảo người ta sát hại, hoặc thấy người khác sát hại mà lấy làm vui” 38.

5. Công giáo: Làm phúc, bố thí, dâng cúng, từ thiện. Chỉ cần đọc lại bài Phúc Âm của Thánh Matthêu về “ngày phán xét chung” (25,31-46), hay truyện “người giàu có và ông Lagiarô nghèo đói bệnh tật” trong phúc âm Thánh Luca (16,19-31) đủ thấy Chúa dạy người Kitô hữu phải thực hành việc làm phúc bố thí như thế nào. Cũng có thể đọc thêm: Ðnl 26,12...; Mát-thêu, 19,21; Mác-cô 12,41-44; Luca 11,41; 1Co 16,2. Việc dâng cúng vào nhà thờ, cho Giáo Hội, cho các tổ chức từ thiện vẫn là điều được nhắc nhở và kêu gọi... Kinh “Thương người có 14 mối” giáo dân quen đọc mỗi chủ nhật, tóm gọn những điều phải bố thí, làm phúc...

Phật giáo: Cúng, cúng dường: Cung cấp vật thực, đồ quý hoặc hương, đăng, hoa, quả hay tiền bạc vào Phật sự. Có nhiều cách cúng dường: “Cúng dường Phật” là dâng hương hoa nhang đèn đốt lên; “Cúng dường Tăng” là giúp các ngài tiện bề tu học và cầu nguyện cho mình; “Cúng dường Tam Bảo” là khi đến chùa cúng dường chung cho cả Phật, Pháp, Tăng; “Cúng dường cứu tế” là dâng của cải, tiền bạc, tài năng để giúp người nghèo, hay bệnh nhân, là việc xã hội. Có ba mục đích Cúng dường: để cung kính và sùng mộ; để hạnh nguyện; cho người quá cố hay cho bản thân mai ngày 39. Còn việc Bố Thí cũng rất quan trọng, vì chính nhờ việc bố thí trong những kiếp trước mà Ðức Thích Ca mau lên quả Phật. Trong Phật giáo có hằng trăm bài kinh về sự bố thí quen gọi là “tập bá duyên kinh” 40.

...

Chúng ta còn có thể nêu ra nhiều điểm khác nữa như “Ðức hiếu thảo đối với cha mẹ”; “đức thật thà trong lời nói và cách sống” v.v...

Ðến đây chúng ta phải nói lên rằng: Những điểm trên chỉ gặp nhau hay giống nhau về “Sự Kiện” (faits) nhưng rất khác nhau về “Ý Nghĩa” (sens). Bởi lẽ tất cả những việc làm “bác ái, từ bi,” “cầu nguyện, tụng niệm,” “sám hối, ăn chay” hay “làm phúc, cúng dường”... là biểu lộ cụ thể hay thực hành cụ thể những điều tin trong đạo. Thế nhưng như trên chúng ta đã thấy “niềm tin” liên quan đến Thiên Chúa, đến con người và vũ trụ thụ tạo đã quá khác nhau giữa Công giáo và Phật giáo, thì do đó những việc sống đạo cụ thể trên đây rất khác xa nhau về “Ý Nghĩa”: Người Công giáo sống bác ái, cầu nguyện... bao giờ cũng qui về mình, về tha nhân, và về Thiên Chúa; còn người Phật giáo sống từ bi, tụng niệm... chỉ qui về mình hay về người khác mà thôi. Bởi lẽ họ không tin có Thiên Chúa.

Kết luận, khi đối chiếu Công giáo với Phật giáo, câu “Ðạo nào cũng giống nhau, cũng dạy làm lành lánh dữ,” không đúng về phạm vi “Niềm Tin,” chỉ đúng một phần nhỏ về phạm vi “Sống Ðạo,” nghĩa là giữa Công giáo và Phật giáo có những việc “sống đạo” giống nhau về “Sự Kiện,” nhưng rất khác nhau về “Ý Nghĩa.” Trong khi đó, ý nghĩa quan trọng hơn sự kiện.

IV. Phật Giáo là Tôn Giáo?

1. Vấn đề khó khăn

Khó khăn bởi vì đối với người Công giáo như chúng ta, hễ nói đến tôn giáo là tự nhiên nghĩ đến “mối liên hệ giữa một Ðấng Tối Cao, sáng tạo mọi loài với con người và cả vạn vật thụ tạo,” nói một cách vắn gọn, “liên hệ giữa Thần và Người.” Trong cuốn Théo, người ta viết “La religion (du latin religare, relier) est le lien qui relie l'homme au sacré” (tr. 607). Và như trên chúng ta đã thấy Phật giáo không nhận có một Ðấng Tối Cao dựng nên chúng sanh, và chính Ðức Phật cũng chỉ tự nhận mình là người phàm được giác ngộ. Cho nên, đúng như lời bác sĩ Kimura Taiken: “Phật giáo có thật là tôn giáo hay không, đó là vấn đề rất khó giải đáp!” 41.

2. Phật giáo không phải là tôn giáo

Ðề cập đến vấn đề “Phật giáo có phải là tôn giáo không?,” các học giả Âu châu cũng như Á châu, kể cả các vị Thượng Tọa, đã có nhiều ý kiến khác nhau: Ông Koryu Otani cho Phật giáo là một thuyết khoa học chứ không phải tôn giáo 42. Ông G. van der Leeuw lại cho “Phật giáo là một tôn giáo hư vô, một tôn giáo của tiêu cực” (une religion du néant, une religion du négatif) 43. Giáo sư Takakusu quả quyết “Phật giáo là vô thần, cái đó khỏi phải nghi ngơø” 44. Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh lại chủ trương “Phật giáo nguyên thủy là những hình thức sinh hoạt văn hóa” 45. Gần đây, giáo sư Nguyễn Huy Bảo có ý kiến: “Phật giáo (hay Khổng giáo) chỉ là những vũ trụ quan hay nhân sinh quan, cả hai đều ở trong phạm vi triết lý”46.

Những ý kiến khác táo bạo hơn, quả quyết Phật giáo không là tôn giáo, cũng chẳng là triết học hay khoa học. Trước tiên là ý kiến của giáo sư Tuệ Quang Nguyễn Ðăng Long trong cuốn Phật Giáo. Ông viết: “Thực ra Phật giáo không phải là một đạo, một tôn giáo. Tất cả những chùa chiền, tăng ni, những luật lệ về sự tưởng bên ngoài mà ta vẫn thấy ở khắp cõi Á Ðông ở khắp vùng Ðông Nam Á (gồm cả Nam Tôn, Bắc Tôn), cho đến các kho tàng kinh điển ở khắp thế giới, thảy đều chỉ là mấy giọt nước đục, so với biển cả mênh mông, trong suốt là Phật Pháp.... Phật Pháp không phải là một tôn giáo, một triết học. Tất cả những điều ta biết về Phật Pháp chỉ là vài giọt nước đục, so với bể lớn mênh mông trong suốt”47. Sách này đã được Thượng tọa Thích Tâm Châu, nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo ở Sài gòn và là đệ nhất Phó Chủ Tịch Hội Tăng Già Phật Giáo Thế Giới chứng nhận mấy lời: “Một tác phẩm như vậy làm hãnh diện đạo Phật. Nó sẽ giúp bao trí thức Phật tử hiểu đạo Phật, có một ý niệm rõ ràng và sâu sắc về đạo. Nó đã tả đúng chân tinh thần Phật giáo. Nó là nguồn cảm hứng cho người thiết tha tìm hiểu Chính Pháp, cho người thực hành tu theo Chân lý” 48.

Sau đó là Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh cũng đã lớn tiếng tuyên bố tại Ðại Học Văn Khoa Sài gòn, ngày 6 tháng 4 năm 1967 như sau: “Trước hết chúng tôi xin vào đề ngay rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa tôn giáo hiểu theo truyền thống Tây Phương hay Ðông Phương. Nói đến tôn giáo là nói đến tín ngưỡng, giáo hội, giáo quyền, thần quyền, thần khải v.v... Ðạo Phật gồm đủ những điều vừa kể, nhưng điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần phải lưu tâm: những điều kể trên không làm cho đạo Phật trở thành đạo Phật, mà chỉ là những hình thức tất yếu phát xuất từ sự thoái hóa tinh thần của những người tự nhận là theo đạo Phật. Ðạo Phật không phải là tôn giáo, mà cũng không phải là triết lý hay triết học. Tư tưởng triết lý của đạo Phật chỉ là hậu quả tất yếu của sự sinh thành biện chứng trong sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Phật” 49.

3. Phật giáo là tôn giáo không có nguồn gốc hay tương quan Thần Linh:

Chủ trương Phật Giáo là tôn giáo, bác sĩ Kimura Taiken không muốn tìm nguồn gốc tôn giáo ở các Ðấng Thần Linh mà tìm ở tinh thần con người, bởi vì xét theo phương diện tâm lý, tôn giáo là nhu cầu đáp ứng những hiện tượng tinh thần của con người. Và nhu cầu tinh thần này cốt yếu là sự kết hợp giữa tự do và giải thoát. Nhu cầu tự do và giải thoát có thể chứng nghiệm một đời sống vô hạn, và tất cả đều tự tâm phát ra. Nói như thế có nghĩa là không Thần linh nào có thể thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của con người mà chính con người phải tự lực, tự cường thỏa mãn lấy, như lời Ðức Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên, hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa chính Pháp, chứ đừng nương tựa vào một nơi nào khác.” Xét như vậy thì Phật giáo là tôn giáo, một tôn giáo độc đáo sánh với các tôn giáo khác 50.

Linh Mục Thiện Cẩm lại có thiển ý: “Người ta có thể quan niệm Phật giáo là một tôn giáo, nếu người ta hiểu chữ tôn giáo trên bình diện phẳng, nghĩa là tuy nó không đòi hỏi một tương quan hướng thượng, tức là không biết đến một Thần linh nào, nhưng nó là con Ðường đưa tới cái im lặng mênh mông huyền ảo của trạng thái Niết Bàn, tới cái tuyệt đối là Chân Không (sunyata). Phật giáo là một con đường giải thoát tâm linh... Tuy Phật giáo không đặt mình trên bình diện siêu việt tính (Plan transcendental), nhưng cũng không chỉ nằm trong bình diện “tại thể tính” (plan imminent). Ðạo Phật không lấy con người làm cứu cánh cho con người, nhưng “muốn đưa con người vượt lên trên con người,” muốn “chuyển nhân bản thành Phật bản.” Cái ý vươn lên ấy phải chăng là một trong những đặc tính của một tôn giáo?” 51.

Ông Phạm Trọng Chánh, khi góp ý với cụ Nguyễn Huy Bảo nhân bài “Dân Tộc Việt Nam Trước Vấn Ðề Tôn Giáo,” mặc nhiên cho rằng Phật giáo là tôn giáo khi hiểu theo người Phương Ðông: Ðạo là Con Ðường, và Tôn giáo là tôn kính giáo dục chứ không có một quan niệm thần quyền 52.

4. Tế nhị với người Việt Nam

Trừ một thiểu số, người Việt Nam, Phật tử hay không Phật tử sẽ ngỡ ngàng, thậm chí coi là xúc phạm, khi nghe nói “Phật Giáo không phải là tôn giáo.”

Bởi lẽ người Việt Nam có một tâm hồn tôn giáo rất sâu đậm. Và đã nói đến tôn giáo là tất nhiên có Thượng Ðế, có Thiên Chúa, có Ông Trời, có Tạo Hóa, có Ðấng Tối Cao. Dù tin đạo Phật, dù kính mến Ðức Phật, họ vẫn nói là “Trời phạt.” Cách chung, khi nói như vậy, họ tuyên xưng trên Ðức Phật còn có Ông Trời, ông Trời cao hơn Ðức Phật. Ðạo Phật là con đường dẫn họ đến với ông Trời.

Do đó chúng ta không thể đồng ý với ông Phạm Trọng Chánh về nhận định: “Ðối với người Việt Nam, ông Trời không có nghĩa là Ðấng Sáng Tạo, khai sáng ra vũ trụ, vạn vật và con người” 53. Trái lại, chúng ta coi là xác đáng lời viết sau đây của ông Ðoàn Quang trong bài “Trời người Việt Nam qua ca dao.” Ông viết: “Trời đã ghi dấu vạn năng của Người trên không trung cao vút và trong vực thẳm khôn dò, trong cỏ cây hoa lá, cũng như trong sóng nước đại dương. Ðồng ruộng mênh mông và biển khơi bát ngát trải rộng trước tầm mắt chúng ta. Dấu chân của Trời là ở đó. Người còn được ghi khắc trong tận thâm tâm của lòng người. Người Do Thái gọi Người là Yahweh, người Ấn Ðộ gọi Người là Bhram, Người Trung Hoa gọi Người là Thượng Ðế, còn người Việt Nam gọi Người là Trời, là Ông Trời. Trời của người Việt Nam vượt trên mọi thần minh. Dù ông theo đạo Khổng hay đạo Lão, dù bà theo đạo Phật hay Cao Ðài, dù anh chị chỉ thờ cúng Tổ Tiên... thì ông bà hay anh chị vẫn nhận rằng trên Ðức Khổng, Ðức Lão, Ðức Phật vẫn còn có một Ðấng Tối Cao mà người mình quen gọi là Ông Trời. Trời quyền năng, Trời tác tạo vạn vật, Trời can thiệp vào cuộc sống dân gian, Trời ban phúc, Trời giáng họa...” 54. Chúng ta có thể đan cử một vài trong hàng trăm câu ca dao xưng tụng ông Trời:

Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống ...

Trời là Cha, Ðất là Mẹ. Trời sinh trời dưỡng. Trời sinh voi Trời sinh cỏ. Cha Mẹ sinh người, Trời sinh tính. Thiên bất dong gian!

Nhờ Trời mưa gió thuận hòa, Nào cầy nào cấy trẻ già đua nhau. Nhờ Trời Hạ kế sang Ðông, Làm nghề cầy cấy vun trồng tốt tươi.

Ðêm đêm ra thắp đèn Trời, Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Ðề cập đến quan niệm Trời trong Khổng giáo, ông Toan Ánh viết: “Trời và Ðất riêng biệt nhưng vẫn liên quan với nhau về phương diện động. Trời hoàn thiện nhất nên Kinh Thư gọi Trời là Thượng Thiên (trời cao), là Hiệu Thiên (trời sáng), là Hoàng Thiên, là Thượng Ðế... Vạn vật nhất thể, mọi vật, không phân biệt vật nào, đều có một nguồn chung. Trời và đất là cha mẹ chung, loài người là anh em, các vật khác là bầu bạn” 55.

5. Kính Trọng và Ðối Thoại Nhưng Kiên Vững Sống Ðức Tin

Ðó là điều Công Ðồng Vatican II truyền dạy chúng ta trong bản văn sau đây: “Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy. Phật Giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn. Cũng thế các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.

Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý. Chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là “đường, sự thật và sự sống” (Galát 14,6); nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình.

Vì thế Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo” (NA 2).

Tài liệu tham khảo:

(1) Romano Guardini, “Le Seigneur,” Alsatia, 1945, I, trg. 346. (2) Romano Guardini, “L'Essence du Christianisme,” Alsatia 1948, Trg. 20 (3) Romano Guardini, “Le Seigneur,” Alsatia, 1945, I, trg. 346. (4) Walpola Rahula, “What the Bouddha Taught,” được Thích Nữ Trí Hải dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Tư Tưởng Phật Học” (Con đường thoát khổ). Phật học viện quốc tế xuất bản, 1983, trg.1. (5) Ban Hoằng Pháp (BHP), “Phật Học Phổ Thông” I, trg.17 (Bán ở Chùa Khánh Anh, 14 Ave. Henri Barbusse, 92220 Bagneux) (6) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg. 115-129. (7) Kimura Taiken, “Ðại Thừa Phật Giáo” trg. 26 (Chùa Khánh Anh phát hành) (8) Toan Ánh, “Tín Ngưỡng Việt Nam,” I, trg. 277-278. (9) Nguyễn Văn Trung, “Biện Chứng Giải Thoát của Phật Giáo,” Saigon 1960, trg 105-106. (10) Nguyễn Văn Trung, sách dẫn, trg. 52-53. (11) Nguyễn Ðăng Thục, “Lịch sử Triết Học Á Ðông” III:Ấn Ðộ, Saigon 1950, trg. 149 (12) Walpola Rahula, sách dẫn, trg. 2. (13) Takakusu, “The Essentials of Buddhisme Philosophy,” Bản dịch Việt ngữ của Tuệ Quang với tiêu đề “Các Tông Phái của Ðạo Phật,” Viện Phật học quốc tế xuất bản 1987, trg. 90. (14) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg 335-354 “Tứ Diệu Ðế.” Nguyễn Ðăng Thục, sách dẫn, trg.160-178. (15) Takakusu, sách dẫn trg. 98. (16) Tatakusu, sách dẫn trg. 43-44; 100-105. (17) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 195. (18) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg 851. (19) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 84. (20) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 54. (21) Nguyễn Văn Trung, sách dẫn trg 64; W Rahula, sách dẫn trg. 18. (22) Takakusu, sách dẫn trg 367-368. (23) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg 853-854. (24) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn, xem trg. 854-866. (25) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn trg. 866. (26) W. Rahula, sách dẫn trg. 18. (27) Takakusu, sách dẫn trg. 143. (28) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn trg. 347. (29) Takakusu, sách dẫn trg. 95. (30) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn xem trg. 259-272. (31) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn xem trg. 250-258. (32) Ðoàn Văn Còn, “Phật Học Từ Ðiển” II trg. 775; I trg. 60-73. (33) Ðoàn Văn Còn sách dẫn II trg. 394-395; I trg. 74-98. (34) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 1061; I trg. 300-319. (35) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn II trg. 331-335; III trg. 1002; xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 133-145. (36) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 710-711, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 101-112. (37) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 1330, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 150-162. (38) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn II trg. 727-728, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 187. (39) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn I trg. 345-346. (40) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn I trg. 283-284; xem Thích Thanh Từ, Ðạo Phật và Tuổi Trẻ, trg 147-149. (41) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 139. (42) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 1377. (43) G. der Leeuw, “La religion dans son essence et ses manifestations,” trg 613, 618, trích dẫn trong cuốn “Kitô giáo với các tôn giáo khác” của Thiện Cẩm, trg. 120. (44) Takakusu, sách dẫn trg. 84. (45) Thích Nhất Hạnh, “Ðạo Phật ngày nay,” in ronéo, Paris 1964, trg. 13, trích dẫn trong cuốn “Kitô Giáo Với Các Tôn Giáo Khác” của Thiện Cẩm, trg. 120. (46) Nguyễn Huy Bảo, “Dân Tộc Việt Nam Ðứng Trước Vấn Ðề Tôn Giáo,” trong báo Thông Luận số 76, 11.94 và in lại trong báo Bông Sen Âu Châu số 22, 4.95, trg. 26. (47) Tuệ Quang, “Phật Giáo,” Saigon 1964, trg. 164-165, trích dẫn trong cuốn Vấn Ðề Ðau Khổ của Thiên Phong Bửu Dưỡng, Saigon 1969, trg. 9. (48) Tuệ Quang, sách dẫn trg. 4. (49) Thích Minh Châu, Tư tưởng Ðại Học Vạn Hạnh số 1, 8.1967, trích trong Thiện Cẩm, sách dẫn. trg. 119. (50) Kimusa Taiken, sách dẫn xem trg. 135-144. (51) Thiện Cẩm, sách dẫn trg. 121. (52) Phạm Trọng Chánh, “Ðối Thoại Về Vấn Ðề Tôn Giáo” đăng trong báo Bông Sen Âu Châu, số 22, 4.95 trg. 21. (53) Phạm Trọng Chánh sách dẫn, trg. 21. (54) Ðoàn Quang, “Trời Người Việt Nam Qua Ca Dao,” đăng trong đặc san Sao Biển, 12.1982 trg. 18. (55) Toan Ánh, sách dẫn trg. 239-240.


19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page